Từ ngày 1/1/2023 hình thức Đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực – Competency-Based Training and Assessment (CBTA) sẽ được chính thức áp dụng trên toàn cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (International Civil Aviation Organization – ICAO). Thông qua bài viết này, ALS (với tư cách cơ sở đào tạo đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ chương trình đào tạo hàng nguy hiểm theo tiêu chuẩn mới CBTA của IATA) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hình thức đào tạo mới này.
-
CBTA là gì?
Đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực – CBTA (Competency-Based Training and Assessment) không phải là một khái niệm mới. Nó xuất hiện đầu tiên ở Mỹ và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960 bắt nguồn từ những nỗ lực để cải cách giáo dục và đào tạo giáo viên. Kể từ đó, khái niệm này đã lan rộng ra các quốc gia khác, thông qua và điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu đào tạo của ngành công nghiệp.
Đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực như là một hướng tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra của người học, kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức giảng dạy và hình thức đánh giá được thiết kế nhằm đánh giá việc học của người học thông qua việc thể hiện kiến thức, kỹ năng và hành vi của họ đối với yêu cầu đề ra ở mỗi trình độ.
Từ góc độ thực tế, CBTA tập trung vào những gì một người có thể làm hơn là những gì các khóa học thực hiện và nó đo lường thành tích của một người so với tiêu chuẩn ngành hoặc nơi làm việc hơn là thành tích của một người so với những người khác trong nhóm.
-
CBTA và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không
Theo sự chấp thuận và triển khai của ICAO, tháng 9 năm 2019, Ủy ban về hàng nguy hiểm (Dangerous Goods Panel – DGP) đã tiến hành xây dựng các quy định mới và tài liệu hướng dẫn theo cách tiếp cận dựa trên năng lực để đào tạo về hàng nguy hiểm.
Các điều khoản sửa đổi đã được thông qua để áp dụng phương pháp đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực (CBTA) đối với đào tạo hàng nguy hiểm sẽ trở thành bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Kể từ đó, hình thức đào tạo theo categogy (CAT) truyền thống hiện nay sẽ được thay thế bằng các mô-đun đào tạo phù hợp hơn, được xây dựng dựa trên các năng lực từng học viên yêu cầu.
Mục tiêu của CBTA là sử dụng các công cụ cần thiết để thiết lập rõ ràng nhu cầu đào tạo cho một chức năng công việc (fuction) của một cá nhân có liên quan đến chuỗi vận chuyển một lô hàng nguy hiểm cụ thể và sau đó đảm bảo rằng nhân viên trang bị kiến thức về lý thuyết và năng lực để thực hiện công việc thực tế sau khi hoàn tất huấn luyện và đánh giá.
Khóa đào tạo được cung cấp tập trung vào các chức năng và trách nhiệm hơn là chức danh hoặc mô tả công việc, có nghĩa là đảm bảo rằng một người có đủ năng lực để thực hiện chức năng tuân thủ Tiểu mục 1.5. của IATA DGR.
-
Năng lực là gì?
Theo cách hiểu thông thường, năng lực là tập hợp toàn bộ các kỹ năng, kiến thức, khả năng, hành vi của một người có thể đáp ứng đối với một công việc nhất định nào đó để đạt được một mức độ thành thạo cụ thể, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cá nhân có thể hoàn thành một việc nào đó hiệu quả hơn so với người khác.
Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hàng nguy hiểm có thể đòi hỏi mức độ kiến thức, kỹ năng và thái độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của nhiệm vụ cụ thể và môi trường hoạt động. Do đó, để xác định mức độ thành thạo liên quan của các yếu tố năng lực của nhân viên, người sử dụng lao động nên xem xét mức độ phức tạp của nhiệm vụ và bối cảnh, phạm vi công việc và mức độ tự chủ của nhân viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
-
Mức độ thành thạo
Mức độ thành thạo có thể được chia thành bốn cấp độ: giới thiệu; cơ bản; trung cấp và nâng cao. Việc áp dụng cho cá nhân các nhiệm vụ liên quan đến các chức năng mà một nhân viên được giao là phân công.
- Giới thiệu (*): bao gồm kiến thức chung hoặc kiến thức cơ bản của các khái niệm và kỹ thuật cơ bản.
- Cơ bản (**): cung cấp năng lực đủ để một cá nhân thực hiện các hoạt động công việc đơn giản, hầu hết là thường xuyên và có thể dự đoán được. Với sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ từ một chuyên gia có thể được yêu cầu theo thời gian.
- Trung cấp (***): bao gồm các hoạt động phức tạp hoặc quan trọng, trong bối cảnh không theo quy trình, cho phép một người làm việc tự chủ và giải quyết các vấn đề mà không cần trợ giúp đặc biệt.
- Nâng cao (****): bao gồm các hoạt động kỹ thuật chuyên môn phức tạp trong nhiều bối cảnh khác nhau, cho phép nhân viên đưa ra lời khuyên. Giáo viên (người hướng dẫn) khóa đào tạo hàng nguy hiểm cần phải đạt được trình độ thành thạo này về các nhiệm vụ hoặc chức năng mà họ sẽ hướng dẫn trước khi cung cấp các khóa học đó.
-
Lợi ích của việc đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực để vận chuyển an toàn hàng nguy hiểm bằng đường hàng không
Lợi ích chính của phương pháp tiếp cận đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực là phương pháp này khuyến khích và cho phép nhân viên đạt đến mức khả năng cao nhất của họ trong khi vẫn đảm bảo mức năng lực cơ bản theo tiêu chuẩn tối thiểu. Điều này đạt được bằng cách:
- Nhắm mục tiêu theo nhu cầu đào tạo chức năng công việc cụ thể;
- Hỗ trợ học tập liên tục và cải thiện hiệu suất;
- Hướng tới việc học hơn đơn giản chỉ là vượt qua một bài kiểm tra;
- Đảm bảo tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để thực hiện một công việc ở mức độ thành thạo cần thiết;
- Hỗ trợ ứng dụng hệ thống quản lý an toàn (Safety Management Systems – SMS);
- Thành lập đội ngũ giảng viên đầy đủ, được đào tạo bài bản, có năng lực.
Đối với bất kỳ tổ chức nào, đảm bảo nhân viên có thể thực hiện thành thạo các chức năng công việc của họ là rất quan trọng. Một lực lượng lao động có năng lực không chỉ có thể giảm chi phí do từ chối hoặc chậm trễ lô hàng không cần thiết và thông tin sai lệch về kỳ vọng công việc mà còn cải thiện sự an toàn bằng cách giảm số lượng hành vi sai trái liên quan đến không đủ năng lực. Do đó, từ quan điểm kinh doanh, có thể dễ dàng nhận thấy đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực mang lại những lợi ích sau:
- Hiệu quả chi phí
- Cải thiện hiệu suất
- Tăng năng suất
- Cải thiện lợi nhuận
- Giảm rủi ro
- Tăng sự hài lòng của khách hàng
-
Điểm mới trong khóa đào tạo về hàng nguy hiểm theo tiêu chuẩn CBTA
Việc đào tạo cho các đối tượng được thực hiện dựa trên các chức năng được xác định rõ và danh sách nhiệm vụ của họ đảm nhận. Trước đây nhân viên được yêu cầu phù hợp với vai trò công việc /Hình thức đào tạo theo categogy, bây giờ việc đào tạo phù hợp hơn với vai trò nhân viên.
Hai điểm thay đổi đáng chú ý trong chương trình đào tạo:
- Loại bỏ các danh sách chương trình đào tạo dựa theo hình thức category được cung cấp trong Bảng 1.5.A và 1.5.B; và
- Thay đổi trọng tâm từ việc chỉ yêu cầu một bài đánh giá duy nhất vào cuối khóa đào tạo để xác minh sự hiểu biết của học viên sang yêu cầu đánh giá liên tục về năng lực.
Chương trình đào tạo hàng nguy hiểm theo tiêu chuẩn mới này sẽ được thiết kế cho 10 chức năng chính trong phục vụ trong ngành hàng không. Các chức năng đào tạo hàng nguy hiểm gồm:
- Chức năng: Nhân sự chịu trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa nguy hiểm
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm xử lý hoặc chấp nhận hàng thông thường
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm xử lý hoặc chấp nhận hàng nguy hiểm
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm vụ phục vụ hàng hóa trong kho hàng, xếp dỡ ULD và chất hàng lên tàu bay
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm phục vụ hành khách, hành lý
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm cân bằng trọng tải và hướng dẫn chất xếp tàu bay
- Chức năng: Tổ bay
- Chức năng: Người chịu trách điều hành và điều phối bay
- Chức năng: Tiếp viên hàng không
- Chức năng: Người chịu trách nhiệm soi chiếu an ninh hàng khách, hành lý, hàng hóa và bưu kiện
Hy vọng với những thông tin trên của ALS Training chia sẻ sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về hình thức Đào tạo và và đánh giá dựa trên năng lực – CBTA. Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!