spot_img

Những điều cần biết về hàng hóa dễ hư hỏng khi vận chuyển bằng đường hàng không

Hiện nay, thị trường và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng dịch vụ trong mọi lĩnh vực, kể cả vận tải hay hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa là một công việc phức tạp và hơn thế nữa khi nói đến các sản phẩm nhạy cảm, chẳng hạn như hàng hóa dễ hư hỏng. Giữ cho thịt, cá hoặc trái cây từ các quốc gia khác ở tình trạng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Việc này đòi hỏi một hệ thống chất lượng xuyên suốt toàn bộ quá trình vận chuyển, từ nơi xuất phát đến điểm phân phối cuối cùng.

1. Hàng hóa dễ hư hỏng là gì ?

Hàng hóa dễ hư hỏng là những hàng hóa có tính chất, trạng thái dễ bị biến đổi khi chịu tác động bởi sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm hoặc thời gian. Theo đó, với đặc tính hóa sinh, các sản phẩm này thường có tuổi thọ ngắn; dễ bị hư hỏng, giảm chất lượng và không thể khắc phục một khi đã xảy ra hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách sau khi thu hái, đánh bắt, sản xuất,… . Sau đây là một số loại hàng thuộc nhóm dễ hư hỏng:

  • Thực phẩm như rau củ quả, trái cây,…
  • Thủy, hải sản như cá, tôm, mực, ốc, cua,…
  • Các loại thịt gia súc, gia cầm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,…
  • Đồ ăn và nước uống đã chế biến
  • Thực phẩm đã được bảo quản đông lạnh
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa
  • Các loại dược phẩm, mỹ phẩm

2. Làm thế nào để vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng bằng đường hàng không

Cách thức tốt nhất để vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng là vận chuyển bằng đường hàng không vì đây là hình thức vận tải có thời gian vận chuyển nhanh nhất. Mỗi sân bay có một khu vực đặc biệt để xử lý hàng hóa dễ hư hỏng, tại đó nhiệt độ có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng kho lạnh và tủ đông. Những khu vực này có các điểm kiểm tra hải quan luôn được phục vụ bởi các nhân viên chuyên trách, có trình độ cao, đảm bảo hàng hóa luôn được giữ ở nhiệt độ tối ưu.

Với những hàng hóa dễ hư hỏng, để giữ được chất lượng, giá trị dinh dưỡng và độ tươi ngon khi vận chuyển thì đòi hỏi người giao nhận phải có cách đóng gói, bảo quản phù hợp. Tùy thuộc vào loại hàng gửi đi mà chủ hàng nên lựa chọn cách đóng gói cũng như bảo quản sao cho phù hợp nhất. Bởi vì, mỗi loại hàng lại có đặc tính riêng, nhiệt độ bảo quản khác biệt.

Vì vậy, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải với hàng hóa dễ hư hỏng, bạn nên nắm được cho mình một số cách bảo quản thông dụng khi vận chuyển.

2.1. Đóng gói

Ngoài trái cây và rau củ hoặc thịt và trứng, còn có nhiều loại hàng hóa dễ hỏng khác. Một số hàng hóa chất lượng giảm rất nhanh và một số khác ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và thời gian. Trong cả hai trường hợp, việc đóng gói và xử lý đúng cách sẽ giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Quy định về hàng hóa dễ hư hỏng (PCR) của IATA đưa ra các quy định và các ví dụ về cách đóng gói thích hợp cho các loại hàng hóa dễ hư hỏng khác nhau và nêu rõ các vật liệu và nguyên tắc thiết kế cho từng gói hàng. Bạn có thể tìm thông tin trong phần 5.3 của PCR. Đồng thời, Quy định về hàng hóa dễ hỏng (PCR) của IATA cũng nêu rõ cách sử dụng cụ thể và các nguyên tắc thiết kế các loại công-te-nơ khác nhau để vận chuyển hàng hóa dễ hỏng, chất làm mát, vật liệu hút nước và vật liệu bảo vệ bao bì nào phù hợp và được phê duyệt để sử dụng khi vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng. Khi một lô hàng đến điểm cuối trong tình trạng đã hư hỏng thì điều đầu tiên bạn cần kiểm tra là bao bì. Từ đó, có thể thấy việc đóng gói hàng hóa đúng cách là rất quan trọng.

Mỗi loại hàng mau hỏng cần có cách thức đóng gói và bảo quản khác nhau. Các mặt hàng vận chuyển cần đảm bảo có “vật liệu đóng gói” phù hợp để tránh bất kỳ trường hợp rò rỉ, rơi vãi hoặc nhiễm bẩn từ các hàng hóa để chung khác. Tùy theo đặc thù của hàng hóa chúng ta có thể sử dụng các loại vật liệu như: thùng xốp, túi nilon, hộp carton phủ sáp, thùng gỗ, hộp, sọt, thùng nhựa, tấm trải nilon cùng các vật liệu hút nước và các vật liệu làm lạnh kèm theo (nếu có) như: đá khô, đá gel, khí hóa lỏng làm lạnh,… trong quá trình vận chuyển.

Bất kể bạn sử dụng bao bì nào để vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng, mỗi bao bì phải được dán nhãn và đánh dấu phù hợp với nội dung rõ ràng để có thể phục vụ chính xác nhất.

2.2.  Kiểm soát chất lượng & Quản lý rủi ro

Việc duy trì kiểm soát chất lượng và quản lý rủi ro ở mức cao nhất trong vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng góp phần đáng kể vào việc giảm tổn thất chất lượng hàng hóa đó. Ví dụ như đối với các loại hàng dễ hư hỏng: thực phẩm, thịt, sữa, thủy hải sản,… để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng và giữ được chất lượng tốt nhất thì bắt buộc phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn. Theo đó, tùy thuộc vào hàng hóa gửi đi, người vận chuyển sẽ điều chỉnh nhiệt độ ở một mức phù hợp và đảm bảo duy trì ổn định trong suốt quá trình giao nhận để giữ cho thực phẩm, đồ ăn luôn tươi ngon.

Quá trình đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn khi vận chuyển được thực hiện từ khi hàng xếp lên phương tiện vận chuyển cho đến khi hàng được chuyển đến địa chỉ cuối cùng cho người nhận. Mỗi loại hàng hóa dễ hư hỏng sẽ có nhiệt độ bảo quản riêng. Điều này, đòi hỏi các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa được trang bị các thiết bị và vật dụng cần thiết để đảm bảo nhiệt độ ổn định như sau:

  • Cách nhiệt: Bao gồm cách bức tường, cửa, trần và sàn được cách ly, các vật liệu phù hợp để tránh sự thất thoát về nhiệt và giới hạn trao đổi nhiệt giữa môi trường bảo quản bên ngoài và bên trong.
  • Giữ lạnh: Bao gồm các nguồn làm lạnh không sử dụng cơ học, có thể làm giảm nhiệt độ bên trong và duy trì nhiệt độ bên ngoài trung bình từ 30ºC đến -20ºC.
  • Tủ đông: Có cơ chế làm lạnh để giảm nhiệt độ bên trong của không gian trống và duy trì ở nhiệt độ cố định từ -12ºC đến -20ºC.

2.3. Giao hàng tận nơi

Giao hàng là công đoạn cuối cùng của quá trình vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng. Trên thực tế, việc giao hàng hóa không phải lúc nào cũng được thực hiện ở các khu vực được kiểm soát nhiệt độ theo nhiệt độ bảo quản yêu cầu trên vận đơn hàng không của hàng hóa đó.

Do vậy, để đảm bảo độ tươi ngon và không có sự phát triển của vi khuẩn gây nguy hiểm cho hàng hóa dễ hư hỏng thì người giao nhận hàng hóa cần lưu ý một số điểm sau:

  • Đảm bảo rằng người gửi hàng/người nhận hàng được thông báo trước về thời gian giao/nhận hàng để sắp xếp vận chuyển nhanh nh vậngiảm thiểu tối đa sự chậm trễ giữa các lần vận chuyển và giao nhận.
  • Đảm bảo phương tiện vận chuyển đã được điều chỉnh trước đúng nhiệt độ yêu cầu
  • Đảm bảo phương tiện vận chuyển phù hợp để vận chuyển các lô hàng tránh bị nhiễm bẩn
  • Đảm bảo mọi thiết bị kiểm soát nhiệt độ đều được hiệu chuẩn hợp lệ
  • Kiểm tra để đảm bảo bộ phận kiểm soát nhiệt độ hoạt động bình thường trong khi vận chuyển
  • Đảm bảo tuân thủ mọi hướng dẫn đặc biệt trong quá trình phục vụ

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về “Hàng hóa dễ hư hỏng khi vận chuyển bằng đường hàng không”. Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của Als Training nhé.

spot_img

Must Read

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here