spot_img

MSDS – Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất

MSDS là một tài liệu cần thiết trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa có tính chất nguy hiểm. Vậy MSDS là gì, hãy cùng tìm hiểu bài viết sau nhé.

1. Khái niệm MSDS:

MSDS là từ viết tắt của Material Safety Data Sheets (Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất). MSDS là một dạng văn bản chứa các dữ liệu liên quan đến các thuộc tính của một hóa chất cụ thể nào đó. Mục đích của MSDS là để giúp cho những người làm việc hoặc tiếp xúc gần với loại hóa chất có tính chất nguy hiểm chủ động đảm bảo an toàn cũng như xử lý tình huống phát sinh khi bị ảnh hưởng bởi hóa chất đó.

Không phải bất cứ hàng hóa nào cũng cần đến giấy chứng nhận MSDS. Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất thường được yêu cầu cung cấp khi hàng hóa mang tính nguy hiểm trong quá trình xếp dỡ, vận chuyển, bảo quản… Ngoài ra, các sản phẩm dạng bột như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đôi khi cũng cần thực hiện giấy chứng nhận MSDS để kiểm tra về độ an toàn với người sử dụng.

MSDS thường được sử dụng đối với các mặt hàng có khả năng gây ra nguy hiểm. Vì thế, khi bạn muốn xuất nhập khẩu hàng nguy hiểm, thì bắt buộc phải xuất trình MSDS thì người vận chuyển mới xem xét có nhận vận chuyển hay không.

2. Vai trò của MSDS:

  • Là nguồn thông tin đáng tin cây để đưa ra các phương pháp và cách thức vận chuyển hàng hoá phù hợp nhất, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình phục vụ cũng như cách xử lý nếu như có sự cố xảy ra với kiện hàng này.
  • Cung cấp cho người dùng các thông tin cần thiết để sử dụng hóa chất an toàn nhất.
  • Là cơ sở để các tổ chức hoặc doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc với hoá chất được an toàn, đảm bảo đầy đủ các biện pháp, thiết bị, quy trình đào tạo lao động khi tiếp xúc với hóa chất trong quá trình làm việc.
  • Giúp người dùng có thể nhận biết được các dấu hiệu, triệu chứng phơi nhiễm quá mức và đưa ra phương án xử lý phù hợp.

3. Các thành phần nội dung của MSDS:

Trong hoạt động thương mại quốc tế, MSDS sẽ do người gửi hàng (Shipper) cung cấp. Shipper có thể là công ty thương mại, công ty sản xuất, nhà phân phối hoặc cá nhân… Vì vậy không có mẫu chung bắt buộc hay quy tắc nào cho hình thức của một MSDS. Các nội dung của MSDS có thể là:

Các tên gọi/ mã đăng ký của hóa chất:

  • Tên thương mại (tên thông dụng được thể hiện trên các chứng từ mua bán, vận chuyển).
  • Tên khoa học – tên hóa học:Tên khoa học của các hóa chất là hợp chất, hóa chất gồm nhiều thành phần hóa học.
  • Mã CAS: (CAS là viết tắt của Chemical Abstracts Service –  Dịch vụ tóm tắt hóa chất. Mã CAS này là một chuỗi số định danh duy nhất của một nguyên tố hóa học; hợp chất hóa học; polyme; chuỗi sinh học; hỗn hợp và hợp kim.
  • Mã RTECS: (RTECS là viết tắt của Registry of Toxic Effects of Chemical Substances – Đăng ký của các hiệu ứng độc hại của hóa chất). Mã RTECS là một cơ sở dữ liệu về độc tính được tổng hợp từ các tài liệu khoa học.

 Tên, địa chỉ và các thông tin của nhà sản xuất.

  • Thuộc tính vật lý: Thể hiện trạng thái rắn-lỏng-khí của hóa chất ở điều kiện thông thường cũng như màu sắc, tỷ trọng riêng, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, điểm bắt lửa, điểm nổ, điểm tự cháy, độ nhớt, tỷ lệ bay hơi, áp suất hơi, thành phần phần trăm cho phép trong không khí, khả năng hòa tan trong các dung môi như nước, dung môi hữu cơ…
  • Thông tin thành phần hóa học: Công thức hóa học và các phản ứng hóa học của chất đó với các hóa chất khác như axít, bazơ, chất ôxi hóa…
  • Độc tính và các hiệu ứng xấu lên sức khỏe con người: Ảnh hưởng tới mắt, da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, khả năng sinh sản cũng như khả năng gây ung thư hay gây dị biến, đột biến gen. Các biểu hiện và triệu chứng ngộ độc cấp tính và kinh niên.
  • Các điều kiện tiêu chuẩn để lưu giữ, bảo quản hóa chất trong kho (nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí, các hóa chất không tương thích…) cũng như các điều kiện cần tuân thủ khi tiếp xúc với hóa chất.
  • Các thông tin bổ sung: Quy trình làm việc với hóa chất; dụng cụ làm việc được phép tiếp xúc với hóa chất; quy định về đóng gói; phương pháp xử lý phế thải có chứa hóa chất…

Hy vọng với những thông tin trên của ALS Training chia sẻ sẽ giúp quý vị hiểu hơn về MSDS (Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất). ALS Training Center hiện là đơn vị cung cấp các khóa học về phục vụ hàng hóa nguy hiểm cấp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IATA) và đào tạo các môn nghiệp vụ hàng không được Cục Hàng không cấp phép (chứng chỉ Cục Hàng không). Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn có nhu cầu đào tạo nhé!

spot_img

Must Read

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here