spot_img

Những kiến thức cơ bản về Logistics

Cùng với sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là ngành xuất nhập khẩu khiến ngành Logistics ở Việt Nam ngày càng được đặc biệt coi trọng và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Xuất nhập khẩu và Logistics dường như là hai khái niệm luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Nếu bạn hiểu xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thì Logistics là dịch vụ vận chuyển, kho bãi, hải quan,… để lô hàng đó có thể đến tay người nhập khẩu. Hãy cùng ALS Training tìm hiểu các kiến thức cơ bản về ngành Logistics qua bài viết sau đây.

1. Khái niệm dịch vụ Logistics:

Điều 233 Luật Thương mại 2005, dịch vụ Logistics được quy định cụ thể như sau:

“Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Thực tế, Logistics là tập hợp các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp các thành phần cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa một cách kịp thời, hiệu quả.

Đối tượng của Logistics trước đây chỉ là hàng hóa, sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, hiện nay người ta cũng sử dụng Logistics cho cả những đối tượng như dịch vụ, thông tin, năng lượng…

Về phía người quản lý, Logistics luôn gắn với việc phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm kiểm soát hiệu quả về thời gian và chi phí trong suốt quá trình hàng hóa lưu thông.

2. Phân loại dịch vụ Logistics:

Hiện nay, theo Nghị định 163/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017, dịch vụ Logistics được phân loại như sau:

  • Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
  • Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
  • Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
  • Dịch vụ chuyển phát.
  • Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
  • Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
  • Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
  • Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
  • Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
  • Dịch vụ vận tải hàng không.
  • Dịch vụ vận tải đa phương thức.
  • Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
  • Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Ngoài các dịch vụ trên, nếu có các dịch vụ khác mà doanh nghiệp kinh doanh và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại thì cũng được coi là dịch vụ Logistics.

3. Các hình thức của Logistics

Khi tìm hiểu về Logistics, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những từ như 1P, 2P, 3P,… P là viết tắt của Party, tức những bên liên quan và hình thức Logistics cũng sẽ được chia theo số lượng bên liên quan.

  • 1PL – First Party Logistics:

Tức doanh nghiệp sản xuất sẽ tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động lưu trữ, vận chuyển từ đầu vào tới đầu ra là người tiêu thụ cuối cùng.

  • 2PL – Second Party Logistics:

Doanh nghiệp vừa thực hiện quản lý Logistics vừa thuê ngoài dịch vụ Logistics cho một hoạt động trong chuỗi hoạt động Logistics. Như vậy, sẽ có 2 bên liên quan.

  • 3PL – Third Party Logistics:

Doanh nghiệp chủ động thuê ngoài dịch vụ Logistics chuyên biệt quản lý và thực hiện một vài hoặc mọi hoạt động của Logistics.

  • 4PL – Fourth Party Logistics:

Doanh nghiệp thuê dịch vụ Logistics lo tất cả mọi thứ từ đầu ra tới phân phối, quản lý và điều hành các bên liên quan để tạo thành chuỗi Logistics hiệu quả.

  • Ngoài ra, với sự bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay, 5PL ra đời sẽ giúp doanh nghiệp E-Commerce quản lý hàng hóa và thực hiện Logistics dễ dàng và thông minh hơn.

4. Tiêu chí đánh giá hiệu quả của hoạt động Logistics?

Đối với quốc gia, hiệu quả của hoạt động Logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:

  • Chi phí Logistics so sánh với GDP hoặc kim ngạch xuất nhập khẩu (tỷ lệ càng nhỏ càng tốt);
  • Doanh thu của dịch vụ Logistics so sánh với GDP (tỷ lệ càng cao càng thể hiện vai trò và tầm quan trọng của dịch vụ Logistics);
  • Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics (tốc độ cao cho thấy dịch vụ Logistics phát triển nhanh);
  • Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics thuê ngoài (tỷ lệ càng cao thể hiện mức độ chuyên nghiệp hóa của dịch vụ Logistics càng tốt);
  • Thời gian trung bình xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa (thời gian càng ngắn càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp).

Đối với doanh nghiệp, hiệu quả của hoạt động Logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:

  • Thời gian tiếp nhận và hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (thời gian càng ngắn thì hiệu quả càng cao);
  • Chi phí trung bình để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (chi phí càng thấp thì hiệu quả càng cao);
  • Số lượng người tham gia để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (số người càng ít thì hiệu quả càng cao);
  • Mức độ hài lòng của khách hàng (thể hiện chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ).
spot_img

Must Read

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here