Để đảm bảo an toàn cho tàu bay cùng hành khách trên tàu bay, IATA đã đưa ra quy định tại cuốn Quy định hàng nguy hiểm của IATA (Quy định). Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã ban hành chi tiết, cụ thể và thường xuyên cập nhật danh mục 9 loại hàng nguy hiểm. Mỗi loại và nhóm hàng nguy hiểm có tính chất đặc trưng riêng, được sử dụng để xác định vật hoặc chất thuộc về loại nào, nhóm nào (chương 3 của Quy định). Các tính chất này được mô tả một cách chi tiết và việc phân loại một vật/chất yêu cầu người phục vụ hàng nguy hiểm hiểu biết chuyên môn về tính chất đó. Hãy cùng tìm hiểu các loại và nhóm được giải thích ngắn gọn như sau.
Loại 1 – Chất nổ (Explosives):
- Nhóm 1.1 – Vật phẩm hay chất có tính nguy hiểm nổ lớn
- Nhóm 1.2 – Vật phẩm hay chất có tính nguy hiểm nổ văng mảnh
- Nhóm 1.3 – Vật phẩm hay chất có tính nguy hiểm nổ nhỏ hoặc văng mảnh
- Nhóm 1.4 – Vật phẩm hay chất có tính nguy hiểm nổ không đáng kể
- Nhóm 1.5 – Vật phẩm hay chất kém nhạy có tính nguy hiểm nổ lớn
- Nhóm 1.6 – Vật phẩm hay chất rất kém nhạy và không có tính nguy hiểm nổ lớn
Các phân nhóm này được phân chia theo mức độ nguy hiểm hay sức công phá của loại chất nổ đó, ví dụ khi nổ gây vỡ kính, khi nổ trong nhà thì gây sụp nhà đó, khi gây nổ nghe như tiếng pháo, …
Vì lý do an toàn, các chất nổ thường được chế tạo gần như không nhạy nổ và cần phải có kíp nổ hay ngòi nổ, thường là một chất nổ khác. Trong vận chuyển, chất nổ phải được cô lập với ngòi nổ. Điều này có thể thực hiện bằng cách phân nhỏ các chất nổ trong những nhóm tương thích. Chất nổ được chia làm 6 nhóm căn cứ vào mối nguy hiểm của chúng và được chia thành 13 nhóm tương thích được xác định bằng một chữ cái (được đánh theo A, B, C, D, E, F, G, H, J, K, L, N, S).
Hầu hết các loại chất nổ này đều bị cấm trên máy bay trở khách (Passenger Aircratf) và máy bay trở hàng (Cargo Aircraft) – hay còn gọi là Freighter. Chỉ duy nhất có chất nổ thuộc nhóm 1.4S (đạn thể thao hoặc đạn của súng bộ binh) có thể được vận chuyển trên máy bay chở khách (Passenger Aircraft), còn một số nhóm chất nổ khác chỉ được chở trên các chuyến bay chở hàng (Cargo Aircraft Only).
Loại 2 – Chất khí:
- Nhóm 2.1 Chất khí dễ cháy (như Mêtan, butan)
- Nhóm 2.2 Khí không cháy không độc (như oxy, nitơ)
- Nhóm 2.3 Khí độc (như clo)
Nhóm này được vận chuyển dưới trạng thái khí nén, khí hoá lỏng, khí trong dung dịch, khí hoá lỏng lạnh, hỗn hợp một hay nhiều khí với một hay nhiều loại hơi của những chất thuộc nhóm khác, những vật chứa các chất khí, như tellurium hexaflouride và bình phun khí có dung tích lớn hơn 1 lít.
Loại 3 – Chất lỏng dễ cháy;
Loại 3 gồm những chất sau đây:
Nhóm 3.1: Chất lỏng dễ cháy
- Chất lỏng, hỗn hợp chất lỏng hoặc hỗn hợp chất lỏng chứa chất rắn (ví dụ như sơn, vec-ni, sơn bóng…) sinh ra hơi dễ cháy ở nhiệt độ chớp cháy dưới 60 OC (140 oF) trong phép thử cốc kín hoặc dưới 65.6 OC (150 oF) trong phép thử cốc hở.
- Chất lỏng được vận chuyển ở nhiệt độ bằng hoặc lớn hơn điểm chớp cháy của chúng
- Chất được vận chuyển ở nhiệt độ cao ở trạng thái lỏng và sinh ra hơi dễ cháy ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ vận chuyển tối đa
Nhóm 3.2: Chất nổ lỏng không nhạy
- Là chất nổ được hòa tan trong nước hoặc một chất lỏng khác tạo nên hỗn hợp chất lỏng đồng nhất nhằm kiềm chế đặc tính nổ. Những chất nổ lỏng không nhạy được liệt kê trong mục 4.2 của Quy định gồm: UN 1204, UN 2059, UN 3064, UN 3343, UN 3357 và UN 3379.
Loại 4 – Chất rắn dễ cháy, Các chất có thể tự bốc cháy, chất khi tiếp xúc với nước sẽ tỏa ra khí dễ cháy:
Nhóm 4.1 Chất rắn dễ cháy
- Chất rắn có thể cháy là những chất dễ bắt lửa và có thể cháy khi ma sát. Chất rắn dễ bắt lửa dạng bột, hạt hay kem nhão là những chất nguy hiểm vì chúng dễ dàng bốc cháy chỉ qua tiếp xúc rất ngắn với nguồn lửa, thí dụ như lửa từ que diêm, và lửa sẽ lan rộng ngay tức khắc. Nhưng mối hiểm hoạ không chỉ do lửa mà còn do những sản phẩm cháy độc hại. Các bột kim loại (kim loại kiềm, nhôm, kẽm…) thường đặc biệt nguy hiểm bởi vì khó triệt tiêu ngọn lửa, khi dùng những tác nhân dập lửa thông thường như dioxyt carbon (CO2), nếu dùng nước để dập sẽ càng làm ngọn lửa trở nên nguy hiểm hơn.
Nhóm 4.2 Chất tự phát cháy
- Chất tự phát cháy là những chất có khả năng tự tỏa nhiệt trong điều kiện vận chuyển bình thường hoặc tỏa nhiệt do tiếp xúc với không khí dẫn đến tự bốc cháy.
Nhóm 4.3 Những chất khi tiếp xúc với nước sẽ tạo ra các khí dễ cháy (Chất nguy hiểm khi ướt)
- Những chất khi tiếp xúc với nước sẽ giải phóng khí dễ cháy có thể tạo thành hỗn hợp khí cháy. Những hỗn hợp như thế rất dễ bắt lửa do bất cứ một nguồn gây cháy bình thường nào, ví dụ nguồn sáng hở, những dụng cụ cầm tay phát ra tia lửa hay những bóng đèn sáng không bọc bảo vệ. Cháy nổ có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường xung quanh, ví dụ đất đèn (canxi cabit).
Loại 5 – Chất ô xy hoá và đa ô xít hữu cơ:
Nhóm5.1 Chất ô xy hoá
- Chất ô xy hoá là những chất, dù không cháy nhưng có thể dễ dàng tạo hoặc góp phần tạo nên ngọn lửa đối với bất kỳ chất liệu nào do quá trình tạo oxy. Chất oxy hóa được chia làm 2 dạng là chất rắn oxy hóa và chất lỏng oxy hóa.
Nhóm 5.2 Chất đa ô xít hữu cơ
- Chất đa ô xít hữu cơ là những chất chứa cấu trúc hoá trị hai – O – O – và có gốc hydro peroxyt mà trong đó một hay cả hai nguyên tử hydro bị thay thế bởi gốc hữu cơ. Thường là những chất không bền nhiệt có khả năng phân hủy do tự tỏa nhiệt.
Loại 6 – Chất độc và chất lây nhiễm:
- Nhóm 6.1 Chất độc
- Chất độc là những chất có thể làm chết người hoặc làm tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của con người nếu nuốt phải, hít thở hay tiếp xúc với da.
- Nhóm 6.2 Chất lây nhiễm
- Chất lây nhiễm là những chất chứa hoặc được cho là chứa các mầm bệnh. Mầm bệnh được xác định là các vi sinh vật (bao gồm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, thực vật ký sinh, nấm mốc) và các tác nhân gây bệnh (Prion) có thể gây bệnh cho con người và động vật.
Loại 7 – Vật liệu phóng xạ;
- Vật liệu phóng xạ là bất cứ vật liệu nào có chứa hạt nhân phóng xạ mà cả hoạt độ phóng xạ tập trung (hay có thể gọi là hoạt độ riêng) và tổng hoạt độ lô hàng vượt quá giá trị trong mục 10.3.2 (cột 5 và 6 Bảng 10.3.A – Quy định)
- Nhóm này bao gồm các trang thiết bị y tế như máy chiếu, máy chụp và một số thiết bị của ngành dầu khí…
Loại 8 – Chất ăn mòn;
- Chất ăn mòn là chất mà bằng phản ứng hoá học sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho da hoặc trong trường hợp rò rỉ sẽ phá hủy hoặc làm hư hỏng những hàng hoá khác hoặc ngay cả phương tiện vận chuyển
- Nhóm này bao gồm pin, ắc quy, axit…
Loại 9 – Hàng nguy hiểm khác, bao gồm cả chất nguy hiểm đến môi trường.
- Hàng nguy hiểm thuộc loại 9 là những vật hoặc chất mà trong quá trình vật chuyển thể hiện mối nguy hiểm không phải là mối nguy hiểm của các loại hàng nguy hiểm trên.
- Nhóm này bao gồm các chất nguy hiểm ngoài 8 loại kể trên như đá khô, oto, xe máy, động cơ…
Một vài loại hàng nguy hiểm có thể có các tính chất đáp ứng các tiêu chuẩn phân loại của một hay nhiều loại/nhóm. Trong những trường hợp này chất được coi như có cả nguy hiểm chính và nguy hiểm phụ.
Số thứ tự của loại và nhóm để thuận tiện cho việc sử dụng, không đề cập đến mức độ nguy hiểm. Có nghĩa là loại 1 không nguy hiểm hơn loại 2 hoặc ngược lại.
Hy vọng với những thông tin trên của ALS Training chia sẻ sẽ giúp quý vị hiểu hơn về 9 loại hàng hóa nguy hiểm thường được vận chuyển bằng đường hàng không. Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!