Quản lý kho hàng chính xác, hiệu quả là một trong những hoạt động quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Khi danh mục sản phẩm kinh doanh ngày một mở rộng, đa dạng thì nhu cầu kiểm tra được số lượng hàng hóa trong kho, đảm bảo cho kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng cấp thiết. Từ đó, mỗi sản phẩm trong kho hàng đều cần có một mã riêng biệt để quản lý tốt hơn. Mã SKU ra đời với vai trò là một công cụ giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, theo dõi, giúp bán hàng và quản lý hàng hóa hiệu quả.
1.Khái niệm về SKU
SKU là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Stock Keeping Unit. SKU là mã sản phẩm lưu kho hay đơn giản là mã hàng hóa. SKU được tạo ra như một đơn vị phân loại hàng hóa tồn kho thông qua cách phân loại hàng hóa giống nhau về hình dạng, chức năng… dựa trên một chuỗi các kí tự gồm số và/hoặc chữ.
SKU giúp phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác. Ví dụ: Chỉ một SKU chung cho một loại áo phông là không đủ. Mỗi biến thể của sản phẩm về màu sắc, kích thước, hình thức thiết kế… phải có một SKU khác nhau.
Ví dụ: sau đây là SKU ký tự của 1 loại áo phông hãng Nike (có ba kích cỡ và hai màu) như sau:
NK-TEE-XYZ-SM-RED
NK-TEE-XYZ-ME-RED
NK-TEE-XYZ-LG-RED
NK-TEE-XYZ-SM-GRN
NK-TEE-XYZ-ME-GRN
NK-TEE-XYZ-LG-GRN
- Vai trò của SKU trong doanh nghiệp
– Đơn giản hóa việc đặt hàng
Khi doanh nghiệp đặt hàng sử dụng SKU trên bảng giá và đơn đặt hàng của nhà cung cấp, doanh nghiệp có nhiều khả năng nhận được sản phẩm mình muốn chính xác theo yêu cầu của mình. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp tích hợp phần mềm quản lý hàng tồn kho với hệ thống của nhà cung cấp, sẽ đảm bảo sự thống nhất về sản phẩm giữa các hệ thống và chủ động trong việc đặt hàng.
– Tăng cường hiệu quả của thương mại điện tử
Khi việc mua sắm qua các trang thương mại điện tử ngày càng phổ biến thì việc áp dụng SKU giúp doanh nghiệp tăng tốc đơn đặt hàng và giảm thiểu sai sót.
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp tích hợp thương mại điện tử và hệ thống đặt hàng, cần sử dụng SKU để nhận dạng cho từng sản phẩm (trong mỗi biến thể của sản phẩm) để đảm bảo rằng sản phẩm chính xác được vận chuyển đến khách hàng.
– Cập nhật số liệu tồn kho thường xuyên trên hệ thống quản lý kho hàng
Khi doanh nghiệp cập nhật mức tồn kho của sản phẩm trong cơ sở dữ liệu sản phẩm chính, toàn bộ số liệu tồn kho trong hệ thống quản lý kho hàng cũng được cập nhật. Việc cập nhật được thực hiện tự động hóa do hệ thống này sử dụng SKU cho từng sản phẩm.
- Các thành phần cấu tạo của SKU
SKU tùy thuộc mục đích sử dụng, phân loại sản phẩm của doanh nghiệp mà có nhiều cách thể hiện khác nhau, SKU có thể bao gồm các thành phần sau:
1. Tên nhà sản xuất (hoặc tên thương hiệu) 2. Mô tả sản phẩm: Mô tả ngắn về chất liệu (thủy tinh, pha lê, gốm sứ…); hình dáng (tròn, bầu dục…) 3. Thời gian mua hàng: Gồm các số ngày, tháng, năm (chỉ nên dùng 2 số cuối) 4. Kho lưu trữ hàng hóa: Nếu bạn có nhiều kho hàng, bạn có thể có ký hiệu riêng cho từng kho theo khu vực theo tỉnh, thành phố hoặc theo quận, huyện. 5. Kích cỡ sản phẩm: Các kích cỡ (size S, M, L, XL…) 6. Màu sắc sản phẩm: Đỏ, cam, vàng, xanh lá… 7. Tình trạng sản phẩm: Còn mới hay đã qua sử dụng |
Một số lưu ý khi mã hóa những chữ hoặc số thể hiện các thành phần của SKU:
- Dãy số ngắn gọn: SKU cần có 32 ký tự trở xuống để cùng một dữ liệu phù hợp với tất cả các hệ thống
- Mỗi số SKU có dấu hiệu riêng: Không sử dụng lại SKU từ các mùa trước
- Không bắt đầu bằng số 0: Khi sử dụng SKU trong excel, nếu ký tự đầu tiên là 0, do đó nó sẽ xóa ký tự đầu tiên và gây ra sự cố nhầm lẫn
- Tránh các ký tự không rõ ràng: Các chữ cái như I, L và O rất dễ bị nhầm lẫn với các con số
- Đơn giản hóa: Sử dụng các số và chữ in hoa với các dấu phân cách như dấu gạch ngang hoặc dấu chấm
Hy vọng với những thông tin trên của ALS Training chia sẻ sẽ giúp quý vị hiểu hơn về SKU (Stock Keeping Unit). Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!