Nếu là chủ doanh nghiệp thì bạn chắc chắn bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của dịch vụ vận chuyển hàng hóa tới khách hàng của mình. Cross Docking và Transloading là hai phương thức vận chuyển khác nhau nhưng cùng một mục tiêu là tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa. Trong bài viết của Als Training dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu các khái niệm Cross Docking và Transloading. Những lợi ích của hai phương thức vận chuyển phổ biến này đối với hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng.
1. Khái niệm Cross Docking
Cross Docking là một phương thức vận chuyển hàng hóa giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến khách hàng và có thể bỏ quá trình lưu kho. Hàng hóa phù hợp phương thức vận chuyển bằng Cross Docking là hàng hóa đã được phân loại và đóng gói, sẵn sàng vận chuyển tới điểm đến cuối cùng bao gồm: Các mặt hàng dễ hư hỏng đòi hỏi việc vận chuyển ngay lập tức; Mặt hàng chất lượng cao, không cần phải kiểm tra chất lượng trong quá trình nhận hàng; Sản phẩm đã được gắn thẻ (bar code, RFID), dán nhãn và sẵn sàng để bán cho khách hàng,… Các lô hàng thông thường chỉ mất khoảng một ngày ở Cross dock (kho trung chuyển) và đôi khi chưa tới 1 giờ, sau đó sẽ được chia cho một hoặc nhiều xe tải khác vận chuyển đến những điểm đến khác nhau. Do đó doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể chi phí phân phối trong logistics cũng như gia tăng hiệu quả việc đưa sản phẩm đến khách hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ví dụ: Một xe tải xuất phát từ nhà máy sản xuất X chở 1 lô hàng gồm 50 thùng hàng đến kho trung chuyển Y, sau 1 giờ hoặc 1 ngày 10 thùng hàng sẽ được vận chuyển đến điểm A, 15 thùng hàng được chuyển đến điểm B và 25 thùng hàng được chuyển đến điểm C.
Cross Docking chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp cân đối giữa lượng cung cầu của các loại hàng hóa có biến động đủ thấp và khối lượng đủ lớn. Bởi lẽ hàng hóa có biến động thấp, nhu cầu cho sản phẩm lớn sẽ đảm bảo các lô hàng được giao thường xuyên và nếu nhu cầu là quá thấp, việc giao hàng thường xuyên sẽ dẫn đến gia tăng chi phí vận chuyển đầu vào, khi đó doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng các kho hàng lưu trữ hơn.
2. Khái niệm Transloading
Transloading là phương thức vận chuyển hàng hóa yêu cầu nhiều hơn một phương thức vận chuyển hay nói cách khác có thể kết hợp các phương thức vận chuyển đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không để vận chuyển hàng hóa từ điểm xuất phát tới điểm đến cuối cùng.
Ví dụ về hình thức này trong vận chuyển quốc tế, doanh nghiệp có thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa, chẳng hạn như than đá hoặc ngũ cốc sau đó vận chuyển bằng tàu thủy. Hoặc rất nhiều loại hàng hóa khác được chở bằng xe tải, lưu trong kho và vận chuyển sang nước ngoài bằng máy bay.
Trong hình thức transloading, hàng hóa khi còn ở lưu kho trong nước sẽ được lưu kho, phân loại, và xếp thành các pallets riêng biệt, sau đó được chuyển sang nước ngoài
3. Sự khác biệt giữa Cross Docking và Transloading
Phương tiện và cách thức vận chuyển:
Cross Docking áp dụng cho hàng hóa nội địa được chuyển trực tiếp từ bên bán và không cần lưu kho. Sau 1 giờ đến 1 ngày ở kho Cross Dock, hàng hóa sẽ di chuyển bằng xe tải đến những điểm đến khác nhau.
Transloading thường được dùng đối với hàng hóa quốc tế, trong quá trình vận chuyển hàng hóa sẽ cần ít nhất 2 phương thức vận chuyển khác nhau.
Không gian lưu trữ hàng hóa:
Cross Docking không cần kho lưu trữ, hàng hóa sẽ được dỡ trực tiếp từ xe tải này sang xe tải khác.
Transloading yêu cầu một không gian lưu trữ đủ lớn như nhà kho hoặc bãi đường sắt để thuận tiện cho quá trình luân chuyển hàng hóa. Tại kho lưu trữ, hàng hóa sẽ được phân loại và sắp xếp trước khi được chuyển sang phương tiện vận chuyển khác, với một phương thức vận chuyển khác.
Tiết kiệm hóa chi phí:
Cross Docking thông thường hàng hóa chỉ mất khoảng từ 1 giờ đến 1 ngày ở kho Cross Dock, do đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm được một phần chi phí lưu kho và chi phí sử dụng nhân công. Hàng hóa được giao sớm tới khách hàng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp quản lý hàng hóa tối ưu hơn, hạn chế những rủi ro hàng tồn kho.
Transloading giúp doanh nghiệp chuyển đổi giữa các phương tiện vận chuyển, từ đó mang đến sự lựa chọn hiệu quả với mức giá cạnh tranh. Ví dụ cùng mục đích xuất khẩu hàng hóa trên thị trường quốc tế, tùy từng loại hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức kết hợp xe tải và tàu thủy (thời gian vận chuyển hàng hóa lâu hơn nhưng chi phí thấp hơn) hay hình thức kết hợp xe tải và máy bay (thời gian thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn nhưng chi phí cao hơn).
Tối ưu hóa quy trình vận chuyển:
Cross Docking thường áp dụng cho các cơ sở cung cấp hàng hóa ở các khu vực địa lý gần điểm giao hàng cuối cùng. Thời gian sẽ giao hàng, thời gian lưu kho Cross Dock giảm và xử lý đưa hàng hóa đến tay nhà phân phối và người tiêu dùng nhanh hơn.
Transloading sẽ vận chuyển hàng hóa trên tuyến quốc tế, việc vận chuyển hàng hóa một quãng đường dài bằng đường bộ hay đường biển, thường gắn liền với nguy cơ ùn tắc và tăng nguy cơ
xảy ra tai nạn hay cướp bóc. Thay vào đó, việc kết hợp nhiều phương thức vận chuyển mang đến sự an toàn hơn như đường sắt, sẽ giảm được nguy cơ gây tổn hại đến con người và hàng hóa.
Do vậy, để xác định Cross Docking hay Transloading phù hợp với doanh nghiệp của mình, bạn nên tự hỏi những điều sau: Doanh nghiệp của tôi nằm ở đâu? Sản phẩm của tôi có doanh thu cao cần vận chuyển nhanh hơn không? Phương thức vận chuyển nào nên được sử dụng? Sản phẩm của tôi được chuyển đến đâu? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn quyết định phương pháp tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn.